Tổng Giám đốc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) vừa ký Quyết định số 109 ban hành Quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán tại VSD thay thế Quy chế hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán ban hành kèm theo Quyết định số 211/QĐ-VSD ngày 18/12/2015; Quyết định số 110/QĐ-VSD ban hành quy chế Thành viên lưu ký tại VSD thay thế Quy chế Thành viên lưu ký ban hành kèm theo Quyết định số 112/QĐ-VSD ngày 23/8/2021.
Theo đó, hai Quy chế mới được ban hành để đáp ứng việc rút ngắn thời gian thanh toán giao dịch chứng khoán (cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm), qua đó mang lại lợi ích tốt hơn cho nhà đầu tư và thị trường khi nhà đầu tư có thể bán chứng khoán mua ngày T+0 ngay trong phiên giao dịch chiều ngày T+2 thay vì chờ đến ngày T+3 như trước đây.
Quy chế có một số nội dung thay đổi mới gồm: Thời gian ngân hàng thanh toán hoàn tất thanh toán tiền và VSD hoàn tất thanh toán chứng khoán được điều chỉnh từ 15h30-16h00 lên 11h00-11h30 ngày T+2 (trường hợp có phát sinh thành viên lưu ký mất khả năng thanh toán tiền thì thời gian hoàn tất thanh toán chậm nhất là 12h00);
Thành viên lưu ký phải thực hiện phân bổ tiền và chứng khoán cho khách hàng ngay sau khi NHTT hoàn tất thanh toán tiền và VSD hoàn tất thanh toán chứng khoán, đảm bảo hoàn tất trước 13h ngày thanh toán; đồng thời thông báo cho VSD về kết quả thực hiện chậm nhất 16h30 cùng ngày.
Bổ sung một số trường hợp xử lý vi phạm do vi phạm quy định Quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán để tăng cường quản lý rủi ro từ việc điều chỉnh thời gian hoàn tất thanh toán giao dịch chứng khoán.
Hai Quy chế mới này có hiệu lực từ ngày 29/8/2022, theo đó nhà đầu tư có giao dịch mua, bán chứng khoán ngày 25/8/2022 (ngày T+0) sẽ nhận được chứng khoán, tiền trước 13h ngày 29/8/2022 (ngày T+2) để có thể thực hiện mua, bán chứng khoán trong phiên giao dịch buổi chiều cùng ngày.
TS. Nguyễn Sơn - Chủ tịch Hội đồng Quản trị VSD, nhấn mạnh việc rút ngắn thời gian thanh toán bên cạnh khả năng nâng cao tính thanh khoản cho thị trường, gia tăng lợi ích cho nhà đầu tư thì đồng thời cũng tiềm ẩn rủi ro mất khả năng thanh toán cao hơn do thời gian thanh toán ngắn hơn đồng nghĩa với việc thành viên lưu ký có ít thời gian hơn để huy động chứng khoán, tiền trong trường hợp kiểm soát không tốt ký quỹ của nhà đầu tư hoặc phát sinh lỗi giao dịch.
Một trong các nội dung phối hợp quan trọng được VSD bổ sung vào quy trình là yêu cầu thành viên phải xác nhận đủ tiền vào ngày T+1 (sau khi VSD thông báo nghĩa vụ thanh toán), trong trường hợp thiếu tiền, thành viên phải thông báo cho VSD cụ thể nhà đầu tư thiếu tiền để có thể kịp thời xử lý theo quy định. Thành viên không báo cáo hoặc báo cáo sai dẫn tới thiếu tiền thanh toán vào ngày T+2 sẽ bị khiển trách hoặc cao hơn là đình chỉ hoạt động lưu ký chứng khoán nếu vi phạm từ hai lần trở lên.
Điều này sẽ giúp cho thành viên nâng cao ý thức, trách nhiệm hơn nữa trong việc tuân thủ quy định về hoạt động giao dịch (nhà đầu tư có đủ tiền và chứng khoán trước khi giao dịch) và hoạt động thanh toán giao dịch chứng khoán.
Cũng theo ông Sơn, việc áp dụng giao dịch T+2 được kỳ vọng sẽ giúp cho thanh khoản của thị trường có sự gia tăng nhất định, đồng thời giúp nhà đầu tư chủ động hơn trong chiến lược đầu tư như có thể kịp thời hiện thực hóa lợi nhuận hoặc giảm thiểu thiệt hại tùy theo diễn biến của thị trường, nhờ đó tăng thêm sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Về ứng dụng Stock Edu
Stock Edu là ứng dụng học tập về đầu tư chứng khoán và quản lý tài chính cá nhân miễn phí được phát triển bởi đội ngũ STAG Vietnam. Với ứng dụng Stock Edu, người dùng có thể trải nghiệm:
- Học mà chơi, chơi mà học. Stock Edu nỗ lực tìm hiểu, xây dựng nội dung để người học dễ tiếp thu các thuật ngữ tài chính phức tạp và có thể học bất cứ lúc nào, bất cứ đâu.
- Thực hành trên sàn chứng khoán ảo. Sàn ảo của Stock Edu mô phỏng theo thực tế thị trường chứng khoán Việt Nam để giúp người học làm quen với thị truờng thật và xây dựng được chiến lược đầu tư riêng cho mình.
- Tranh tài với cộng đồng các nhà đầu tư. Ở Stock Edu, người dùng còn được tham gia các cộng đồng khác nhau để trao đổi, chia sẻ kiến thức và tranh tài với nhau.