
Hôm nay, thị trường chứng khoán VN đã phản ứng tiêu cực với thông tin áp thuế của Tổng thống Donald Trump. Đây là khởi đầu của cú sập thực sự hay chỉ là phản ứng ngắn hạn? Nhà đầu tư ETF & quỹ mở dài hạn nên hành động ra sao?
Nguyên nhân chính của sự điều chỉnh mạnh
- Yếu tố bất ngờ của mức thuế 46%
Mức thuế 46% của Mỹ gây sốc cho thị trường, vượt xa dự báo của chuyên gia. Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, với kim ngạch gần 120 tỷ USD năm 2024. Thông tin này kích hoạt tâm lý hoảng loạn, đẩy VN-Index giảm sâu, phản ánh nỗi sợ hơn là thay đổi giá trị thực của doanh nghiệp.
- Sự hiểu sai về mức thuế 46%
Mức thuế đối ứng (reciprocal) được xem như là mức trần cao nhất mà Mỹ dự định áp dụng với Việt Nam. Phần thuế này được tính dựa trên thặng dư xuất khẩu của Việt Nam so với Mỹ. Tuy nhiên, mức thuế này hoàn toàn có thể đàm phán để thay đổi được trước khi đi vào hiệu lực vào ngày 09/04/2025. Thực tế không phải ngành nào cũng bị ảnh hưởng (trong thông cáo của Nhà Trắng ghi rõ một số ngành được loại trừ như nhôm thép, đồng, dược phẩm, sản phẩm bán dẫn, gỗ… ).
Bản thân chính người dân Mỹ cũng là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nhất từ mức thuế này. Do đó, sắc thuế này được xem như lá bài để Tổng thống Trump mặc cả thương lượng với các quốc gia khác trên bàn đàm phán thương mại quốc tế.
Hành động kịp thời của Việt Nam
Lường trước tác động của chính sách thuế mới, Chính phủ Việt Nam đã có những động thái quyết liệt để giảm thiểu rủi ro:
Động thái đối ngoại:
- Chủ động đàm phán giảm thuế với Mỹ: Việt Nam đã cử phái đoàn cấp cao sang đối thoại với chính quyền Mỹ, tích cực mở rộng các kênh ngoại giao để giải quyết vấn đề thương mại song phương. Lịch sử cho thấy, các mức thuế ban đầu thường được điều chỉnh thông qua đối thoại song phương hoặc miễn giảm theo từng ngành. Nội các Tổng thống Trump khẳng định sẵn sàng đàm phán để điều chỉnh mức thuế. Điều này mở ra cơ hội đạt được một thỏa thuận hợp lý trong tương lai gần.
- Mở rộng thị trường xuất khẩu: Việt Nam đang tăng cường hợp tác với nhiều quốc gia, hiện đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 12 nước và đối tác chiến lược với 20 nước nhằm giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
Chính sách đối nội:
- Duy trì lãi suất thấp để giảm áp lực tín dụng cho doanh nghiệp.
- Thúc đẩy đầu tư công, nâng cấp hạ tầng giúp giảm chi phí vận tải logistics, ứng dụng chuyển đổi số giảm thời gian thông quan xuất nhập khẩu
- Cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp vận hành hiệu quả hơn.
Dù thị trường có thể tiếp tục biến động trong ngắn hạn, nền tảng kinh tế Việt Nam vẫn ổn định và duy trì tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ.
Nhà đầu tư dài hạn nên làm gì?
- Giảm thiểu rủi ro: Nếu khả năng chịu rủi ro của bạn thấp, cân nhắc gia tăng phân bổ vào trái phiếu thêm 10 - 20% trên tổng giá trị đầu tư.
- Giữ bình tĩnh: Biến động ngắn hạn là điều không thể tránh khỏi. Lịch sử cho thấy thị trường luôn phục hồi trong dài hạn sau các đợt điều chỉnh.
- Không bán tháo: Bán trong hoảng loạn có thể khiến bạn chịu lỗ không cần thiết và bỏ lỡ cơ hội khi thị trường hồi phục.
- Tận dụng cơ hội mua giá rẻ: Tiếp tục đầu tư đều đặn vào ETF và quỹ mở cổ phiếu uy tín, chia nhỏ khoản đầu tư để theo đuổi chiến lược dài hạn.
Biến động thị trường là cơ hội để đầu tư thông minh. Giữ vững chiến lược dài hạn, tận dụng giá tốt và duy trì danh mục cân bằng sẽ giúp bạn tối ưu lợi nhuận khi thị trường phục hồi.