Có một sự thật rằng, chúng ta thường chi tiêu để tạo ra sự thỏa mãn và hạnh phúc, nhưng nó chỉ kéo dài nhất thời. Tại sao lại như vậy? Tâm lý chúng ta bị chi phối như thế nào? Cùng đọc bài viết sau để có câu trả lời nhé!
Chúng ta thường nghe rằng “Tiền không mua được hạnh phúc”, nhưng thực sự có phải như vậy?
Khi bạn buồn, cô đơn, hay thất tình, bạn sẽ làm gì? Shopping vài bộ quần áo, mua một ly trà sữa, gọi nhóm bạn đi tụ tập, chơi sang hơn là book luôn một tour du lịch. Hoặc khi muốn nâng cấp bản thân, bạn mua vé cho một buổi workshop, mua một cuốn sách về đọc, thậm chí mua luôn một khóa Ielts hàng triệu đồng.
Không phải tất cả những điều đó đều là tiền sao? Như vậy, liệu tiền có mua được hạnh phúc?
Đường cong Fulfillment
Để trả lời câu hỏi này, hãy cùng tìm hiểu một khái niệm gọi là Đường cong Fulfillment.
Đường cong Fulfillment là khái niệm được thảo luận trong cuốn sách "Your money or your life" của Joe Dominguez và Vicki Robin, mô tả mối quan hệ giữa tiền bạc và mức độ hài lòng. Đường cong này cho thấy, tiền bạc - thông qua việc đáp ứng các nhu cầu trong cuộc sống - sẽ tạo ra cảm giác hài lòng cho chúng ta.
Đường cong Fulfillment bao gồm một số cấp độ:
Survival level - Cấp độ sinh tồn
Ở cấp độ này, bằng cách đáp ứng các nhu cầu cơ bản như thức ăn, quần áo, chỗ ở, tiền bạc mang lại một cảm giác hài lòng, thoả mãn lớn.
Nhìn vào đồ thị, ta thấy chỉ với một số tiền nhỏ đã mang lại một lượng hài lòng tương đối cao.
Ví dụ: Với người không có điều kiện tài chính, tiền chắc chắn mang lại hạnh phúc. Khi đó, họ được đảm bảo thức ăn, quần áo, chỗ ở. Sự khác biệt giữa ăn no và nhịn đói, có nhà để ở và sống lang bạt đã tạo nên sự chênh lệch đáng kể về mức độ hài lòng.
Comfort level - Cấp độ an toàn
Ở cấp độ này, chất lượng cuộc sống bắt đầu được cải thiện. Khi đã đáp ứng được các nhu cầu cơ bản, sẽ thật tuyệt khi chúng ta có thêm sự thoải mái: Thêm vào cuộc sống một chút giải trí, tiện nghi, có thêm một vài thú vui, sở thích, tặng cho bản thân một vài món quà đắt tiền,...
Chúng ta bắt đầu chi tiền cho sự tiện nghi như mua TV, điện thoại, tủ lạnh, máy rửa chén,... Nâng cao đời sống tinh thần bằng chiếc túi xách đắt tiền, buổi hẹn hò lãng mạn hay một chuyến du lịch nghỉ dưỡng.
Lúc này, niềm tin “tiền bạc = hài lòng” bắt đầu được củng cố trong nhận thức: “Need. Look outside yourself. Get money. Get stuff. Get fulfillment”.
Tuy nhiên, ở cấp độ này, mức độ hài lòng đạt được từ việc tiêu tiền bắt đầu ít đi. Đường cong trở nên phẳng và tỉ số Mức độ hài lòng/Số tiền chi tiêu có xu hướng giảm dần.
Luxuries level - Cấp độ xa xỉ
Ở giai đoạn Luxuries, ta sẽ bắt đầu chi tiêu vào những thứ xa xỉ: Thưởng thức các món ăn xếp hạng sao Michelin, shopping hàng hiệu CHANEL, LV, mua xe BMW, MERCEDES,...
Tuy nhiên, đây được xem là giai đoạn cuối mà tiền có thể mua được hạnh phúc.
Khi nhìn vào đồ thị, đường cong đã trở nên phẳng và sự hài lòng mang lại từ việc tiêu tiền chỉ còn rất ít, dù cho lượng tiền bỏ ra là nhiều hơn. Dường như có thêm một chiếc xe hay mua thêm một căn nhà không còn mang lại cảm giác “đã” như trước.
Giống như việc ăn kem vậy. Thử tưởng tượng, với cái tiết trời này mà ăn một cây kem, tuyệt vời. Nhưng ăn 6 cây? Nghe là đã thấy ngán rồi!
Enough point - Điểm “đủ”
Điểm “enough” là đỉnh của của đường cong, nơi tiền bạc không tạo ra thêm bất kỳ sự hài lòng nào. Đây là điểm đủ để đáp ứng toàn bộ nhu cầu cơ bản, tiện nghi và xa xỉ.
Nhưng không phải ai cũng nhận thức được điều đó. Niềm tin rằng "tiền bạc = hài lòng" đã hằn sâu trong trí óc chúng ta. “Mua một món đồ mà không còn thấy vui như trước? Chắc là do mình mua chưa đủ, phải mua thêm thôi”.
Điều này tạo ra một vòng lặp luẩn quẩn: Càng không thấy thỏa mãn, chúng ta càng ra sức chi tiêu. Ta bắt đầu “đốt tiền” với khao khát thỏa mãn sự hài lòng đó, chứ không còn vì nhu cầu thật sự nữa.
Và đồng tiền đó ta lấy từ đâu? Từ chính thời gian, công sức của chúng ta. Để rồi nhìn lại, chỉ thấy những món đồ ta thật sự chẳng cần đến, và đổi lại biết bao là năng lượng, thời gian. Ta nhận ra quy luật “tiền bạc = hài lòng” không còn đúng nữa, thậm chí nó chống lại chúng ta: Nó làm chúng ta quay cuồng trong vòng xoay làm việc và chi tiêu, khiến chúng ta không thể thực sự "sống".
Vậy phải làm sao?
Làm sao để chi tiêu đúng và bản thân vẫn thấy vui vẻ, thoả mãn.
Câu trả lời chính là “Tìm - Hiểu điều bản thân muốn”. Khi càng hiểu rõ về bản thân, chúng ta càng dễ đạt được thành công trong các khía cạnh cuộc sống. Nếu bạn biết đâu là đỉnh đường fulfillment của bạn, bạn sẽ tìm thấy nhiều thành công và hạnh phúc hơn.
Dưới đây là một số lời khuyên, có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về cách bản thân chi tiêu và đạt được hiệu quả tài chính tốt hơn.
Nhận thức rằng “tiền = thời gian + năng lượng”
Việc này rất quan trọng, bởi khi bạn nhận thức được điều này, bạn sẽ biết bạn đang đổi thời gian và năng lượng của bạn lấy điều gì.
Ví dụ thu nhập của bạn là 50,000đ/giờ, bạn ăn một tô phở 40,000đ tức bằng 48 phút làm việc. Theo đó, bạn đi ăn một bữa lẩu 1 triệu thì tốn tận 20 giờ làm việc, tương đương hơn 2 ngày đi làm.
Khi bạn nhận thức được điều này, bạn sẽ có cái nhìn đúng đắn hơn về tiền cũng giúp bạn phân biệt được đâu là thứ cần và đâu là thứ bạn muốn, đâu sẽ là thứ đáng để bạn đánh đổi thời gian, năng lượng của bản thân.
Chia danh mục chi tiêu
Hình thức phân loại danh mục chi tiêu có lẽ đã quá quen thuộc nhưng ở đây chúng ta sẽ có thêm một góc nhìn mới.
Việc phân danh mục sẽ giúp bạn nắm được tiền, tức thời gian, năng lượng của bạn đang đổ về khoản nào: Nhà ở, ăn uống, mua sắm, du lịch, giải trí hay đầu tư tương lai. Nhờ đó, bạn có thể nhìn lại và đánh giá: Một bữa đi pub 500,000đ, hôm đó có vui không nhỉ, mình có thực sự cần không, đây là mức survival, comfort hay luxuries?
Mỗi người sẽ có những cầu khác nhau, việc phân loại và đánh giá các danh mục sẽ giúp bạn biết được đâu là danh mục bạn muốn ưu tiên từ đó có mức chi tiêu tối đa cho mỗi danh mục.
Điều này sẽ giúp bạn chi tiêu vào những điều bạn thật sự thích, tránh bị lãng phí nguồn lực.
Một bức tranh toàn cảnh về chi tiêu của bạn
Bên cạnh các danh mục nhỏ, có một tầm nhìn tổng quát về bức tranh chi tiêu cũng là điều vô cùng hữu ích.
Bạn tiêu bao nhiêu tiền mỗi tháng? Có khoản tiêu nào làm bạn thấy lãng phí không? Có món đồ nào bạn mà bạn chỉ dùng có một lần rồi thôi? Liệu không mua món đồ đó thì có ổn không? Có món đồ nào bạn thấy chỉ tốn chỗ không?
Với những câu hỏi này, bạn sẽ loại bỏ được thói quen tiêu tiền vào những thứ vô ích. Bạn sẽ không còn lãng phí nữa mà bắt đầu dùng tiền đúng và chất lượng hơn
Tóm lại, liệu “Tiền có mua được hạnh phúc hay không?” phụ thuộc hoàn toàn vào góc nhìn và quyết định của bản thân chúng ta. Khi có một cái nhìn đúng đắn về tiền và hiểu rõ về bản thân cũng như tài chính cá nhân, bạn không chỉ mua được hạnh phúc mà còn xây dựng được tương lai tài chính thông minh cho chính mình.