Cách giảm thiểu rủi ro khi đầu tư chứng khoán

Chứng khoán là một kênh đầu tư sinh lời tốt nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro từ nhiều nguồn khác nhau khiến người chơi thua lỗ thậm chí mất trắng.

Cách giảm thiểu rủi ro khi đầu tư chứng khoán

Hình thức đầu tư nào cũng sẽ tiềm ẩn rủi ro nhất định. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể giảm thiểu rủi ro xuống mức đáng kể nếu có sự chuẩn bị kỹ càng. Hãy cùng Stag tìm hiểu qua những rủi ro mà bạn có thể gặp phải trong quá trình đầu tư để sẵn sàng hơn khi đầu tư chứng khoán.

Lợi nhuận càng cao, rủi ro càng lớn (High risk, High return)

Tất cả các khoản đầu tư đều đi kèm với rủi ro. Điều đó có nghĩa là các khoản đầu tư có tiềm năng thu lãi cao cũng thường dễ thua lỗ lớn. Và các khoản đầu tư an toàn thường mang lại lợi nhuận trung bình.

Do đó, trước khi đầu tư, NĐT cần hiểu rõ mức độ rủi ro-lợi nhuận của từng loại tài sản để có chiến lược đầu tư phù hợp.

NĐT có thể xếp hạng các loại hình đầu tư theo rủi ro và lợi nhuận tiềm năng của chúng như hình minh hoạ sau:

Dưới đây là mức độ rủi ro (từ cao nhất đến thấp nhất) của các hình thức đầu tư:

Tiền ảo > Quỹ cổ phiếu > Trái phiếu chính phủ

Những rủi ro trong đầu tư có thể gặp phải

Bên cạnh đó, khi đầu tư, NĐT còn gặp phải một số rủi ro khác. Dưới đây là 4 rủi ro trong đầu tư phổ biến mà bạn có thể gặp phải:

Rủi ro doanh nghiệp niêm yết

  • Để có thể được niêm yết trên sàn chứng khoán, các doanh nghiệp cũng cần đáp ứng tiêu chuẩn của sàn chứng khoán.
  • Tuy nhiên, theo thời gian, sẽ có những doanh nghiệp niêm yết gặp khó khăn trong quá trình kinh doanh. Hoặc tình hình chung của ngành hàng có nhiều chuyển biến tiêu cực. Những điều này đều có thể hạ thấp giá trị cổ phiếu của bạn.
  • Do đó, để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của rủi ro này, bạn nên thường xuyên theo dõi tin tức thị trường ngành, báo cáo tình hình kinh doanh doanh nghiệp niêm yết để đưa ra những nhận định và dự đoán phù hợp.

Rủi ro tâm lý thị trường

  • Khi phần lớn người mua đang có tâm lý quá hoảng sợ và thực hiện việc bán tháo cổ phiếu thì sẽ dẫn đến tình trạng downtrend (thị trường giá xuống).
  • Trong trường hợp này, nếu như bạn cũng bán tháo theo thị trường khi chưa có sự cân nhắc kỹ càng thì sẽ dễ dẫn đến tình trạng thua lỗ, khi giá bạn bán ra đang rẻ hơn giá mua vào.
  • Do đó, trước khi đưa ra bất kì quyết định nào, bạn hãy cân nhắc thật kỹ càng nhiều yếu tố khác nhau để đưa ra quyết định khách quan nhất có thể. Ví dụ như, việc giá giảm của cổ phiếu là do những yếu tố nào tác động? Nếu giá cổ phiếu bị ảnh hưởng do tâm lý thị trường đang hoảng sợ thì tình trạng này có thể sẽ kéo dài trong bao lâu?

Rủi ro thanh khoản

  • Tính thanh khoản nhanh chóng là một trong những ưu điểm của đầu tư chứng khoán. Tính thanh khoản của cổ phiếu được xác định bởi khả năng dễ dàng mua bán hay giao dịch với giá ổn định trong ngắn hạn. Tuy nhiên, khi đầu tư cổ phiếu, bạn cũng có thể gặp phải rủi ro thanh khoản. Rủi ro thanh khoản là khi bạn muốn bán cổ phiếu nhưng lại chẳng có mấy người mua, dẫn đến việc khó bán hoặc thậm chí phải bán với giá lỗ. Để hạn chế tình trạng này, bạn có thể cân nhắc những yếu tố sau khi mua cổ phiếu:
  • Khối lượng giao dịch: Nếu khối lượng giao dịch của cổ phiếu lớn, thì có nghĩa là cổ phiếu này thu hút được nhiều người tham gia mua bán → khả năng thanh khoản sẽ tốt hơn rất nhiều so với các cổ phiếu có khối lượng giao dịch nhỏ
  • Chênh lệch giá mua-bán: Giao dịch chỉ thành công khi giá cao nhất mà người mua có thể chi cho cổ phiếu khớp với giá bán thấp nhất mà người bán chấp nhận. Cũng giống như việc trả giá khi đi chợ, thuận mua thì vừa bán. Nếu giá bán cao hơn mức giá mà người mua sẵn sàng chi trả là quá nhiều thì cổ phiếu ấy sẽ không được khớp lệnh → cổ phiếu có tính thanh khoản kém.

Rủi ro lãi suất

  • Khả năng đem lại lợi tức cao trong dài hạn là một ưu điểm khác của chứng khoán. Tuy nhiên, các nhà đầu tư mới cần lưu ý về rủi ro lãi suất khi đầu tư chứng khoán.
  • Rủi ro lãi suất là khả năng biến động của mức sinh lời do những thay đổi của lãi suất trên thị trường gây ra. Việc lãi suất ngân hàng tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh doanh của công ty, từ đó ảnh hưởng đến quyết định của NĐT và giá cổ phiếu tăng/giảm.
  • Bạn có thể xem hình minh hoạ sau để hiểu rõ tác động của lãi suất ngân hàng lên giá cổ phiếu:

Do đó, lời khuyên cho các NĐT đó là thường xuyên theo dõi tin tức về thị trường để kịp thời ứng phó trước những biến động.

Vậy, làm sao để giảm thiểu rủi ro khi đầu tư?

Đa dạng hóa danh mục đầu tư chính là câu trả lời.

Tương tự như nguyên tắc “Không bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ”, đầu tư đa dạng tài sản, mã ngành là một trong những cách để đạt được mức sinh lời cao và giảm thiểu rủi ro. Trong trường hợp một trong những sản phẩm mà bạn rót vốn đầu tư gặp biến động thì vẫn có những lựa chọn khác tăng trưởng để bù lại.

Phân bổ tài sản dựa theo khả năng chấp nhận rủi ro

Thông thường, có 3 thang mức chấp nhận rủi ro: Cao - trung bình - thấp. Tương ứng với từng mức chấp nhận rủi ro mà sẽ có những sản phẩm phù hợp khác nhau như hình minh hoạ dưới đây:

Với nhóm có khả năng chấp nhận rủi ro cao

  • Các nhà đầu tư mạo hiểm (aggressive investor) thường là những người có hiểu biết rõ về xu hướng thị trường và đầu tư chứng khoán. Điều này cho phép họ giao dịch với những tài sản có mức rủi ro cao như tiền ảo, cổ phiếu. Với những nhà đầu tư này, lợi nhuận và rủi ro đều đặt ở mức tối đa. Thông thường, các nhà đầu tư mạo hiểm thường là người trẻ tuổi, năng nổ với việc đầu tư, và có khả năng tài chính lớn để chịu đựng thua lỗ khi thị trường xuống.
  • Nói một cách đơn giản, các nhà đầu tư có khả năng chấp nhận rủi ro cao thường đặt gần như tất cả số vốn của mình vào thị trường có độ rủi ro cao với mục tiêu kiếm lời càng nhiều càng tốt.

Với nhóm có khả năng chấp nhận rủi ro trung bình

  • Các nhà giao dịch ưa thích rủi ro trung bình (moderate investor) thường kết hợp việc phân bổ danh mục đầu tưcân bằng thời gian đầu tư với nhau. Nói một cách cụ thể, các nhà đầu tư sẽ kết hợp nhiều loại tài sản khác nhau như: cổ phiếu, trái phiếu, và một số lựa chọn đầu tư an toàn khác.
  • Nhóm này thường là những nhà đầu tư có phần ổn định về tài chính, không có nhu cầu tăng trưởng vượt bậc mức lợi nhuận của mình.

Với nhóm có khả năng chấp nhận rủi ro thấp

  • Các nhà đầu tư phòng thủ (conservative investor) với khả năng chấp nhận rủi ro thấp thường ưu tiên bảo toàn vốn hơn là lợi nhuận thị trường. Họ thường là những người đã lớn tuổi, gần đến độ nghỉ hưu, tuy trách nhiệm gánh vác về tài chính trong gia đình không nhiều nhưng họ cũng hạn chế việc “phiêu lưu”, “thử sức” với việc đầu tư vì muốn hạn chế rủi ro đến nguồn quỹ hưu trí của mình.
  • Chính vì thế, nhà đầu tư phòng thủ thường tìm cách bảo vệ giá trị của danh mục đầu tư bằng cách mua trái phiếu, các cổ phiếu có rủi ro thấp hơn như cổ phiếu blue-chip hoặc cổ phiếu của công ty có vốn hóa lớn hay các chứng chỉ tiền gửi (CD) để có thu nhập thụ động và bảo toàn vốn.

Cách xác định mức rủi ro có thể chấp nhận được

Bạn có thể xác định mức độ chấp nhận rủi ro của mình bằng cách xem xét các yếu tố sau:

  • Thời gian dự tính đầu tư của bạn: Cho đến khi cần đến nguồn tiền đầu tư, bạn dự kiến sẽ đầu tư trong khoảng bao lâu? 1 năm, 5 năm, hay 10 năm? Khung thời gian càng dài, mức rủi ro bạn có thể chấp nhận càng cao.
  • Khẩu vị rủi ro của bạn: Bạn có thể chấp nhận rủi ro bao nhiêu? Nếu bạn dễ dàng lo lắng các khoản đầu tư của mình sẽ sụt giảm, thì có lẽ bạn có khả năng chịu đựng rủi ro thấp. Nhưng nếu bạn có thể chịu đựng được sự lên xuống của thị trường, thì có thể có mức độ chấp nhận rủi ro của bạn sẽ cao hơn.
  • Khả năng tài chính để có thể chịu đựng rủi ro: Giả dụ, khẩu vị rủi ro của bạn là cao, với mong muốn đầu tư vào các loại tài sản như tiền ảo. Vậy khả năng kinh tế của bạn có cho phép bạn làm điều đó? Liệu bạn có thể chống cự được nếu bị lỗ 30% trong tổng giá trị danh mục và không đụng đến khoản tiền đó? Do đó, khả năng tài chính cũng sẽ góp phần quan trọng vào khả năng chịu đựng rủi ro của bạn, hay nói cách khác là “khả năng gồng lỗ” khi thị trường xuống.

Tại sao mức chịu rủi ro lại quan trọng đến vậy?

Mặc dù khả năng chấp nhận rủi ro cao nghe có vẻ là kết quả tốt nhất (để bạn có thể nhắm tới những khoản lợi nhuận lớn!), nhưng điều quan trọng là phải trung thực khi đánh giá kết quả của bạn.

Nếu chiến lược bạn chọn quá mạo hiểm so với khẩu vị rủi ro của bạn, bạn có thể sẽ muốn bán tháo các khoản đầu tư của mình khi thị trường giảm, nghĩa là sau đó bạn sẽ thua lỗ khi thị trường phục hồi trở lại. Việc này có khả năng sẽ ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận dài hạn của bạn.

Mặt khác, nếu chỉ giữ tiền trong tài khoản tiết kiệm, bạn sẽ không bao giờ kiếm được số tiền lãi kha khá. Bạn có thể cảm thấy an toàn khi ở đó, nhưng bạn sẽ không có nhiều cơ hội, chẳng hạn như xây dựng một quỹ hưu trí thoải mái.

Tóm lại

Có 4 rủi ro phổ biến mà bạn có thể sẽ gặp phải đó là: rủi ro doanh nghiệp niêm yết, tâm lý thị trường, thanh khoản và rủi ro lãi suất. Mức độ chấp nhận rủi ro của bạn mô tả khả năng tài chính của bạn để chịu được thua lỗ và mức độ thoải mái của bạn với những biến động của thị trường. Hiểu được mức độ chấp nhận rủi ro của bạn là rất quan trọng để bạn có thể chọn một danh mục đầu tư có sự cân bằng phù hợp giữa lợi nhuận tiềm năng và rủi ro tiềm ẩn.

THAM GIA CỘNG ĐỒNG HỌC ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN STOCK EDU
- Khóa học được thiết kế bởi đội ngũ chuyên gia về tài chính
- Giao diện thân thiện, đơn giản hóa kiến thức cho người mới
- Sàn ảo hỗ trợ thực hành giao dịch, đầu tư chứng khoán