Đầu tư Vàng có thật sự "hời"? Những điều cần biết khi đầu tư Vàng

Vàng là một kim loại quý thường được ưa chuộng làm các đồ trang sức hay quà tặng,… và luôn có giá trị qua từng giai đoạn nên được xem là "nơi trú ẩn an toàn" của dòng tiền.

Đầu tư Vàng có thật sự "hời"? Những điều cần biết khi đầu tư Vàng

Đầu tư Vàng là một trong những hình thức đầu tư truyền thống được nhiều người quan tâm. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những điều cần biết khi đầu tư Vàng, từ những ưu điểm đến các nhược điểm tiềm ẩn, nhằm giúp bạn đưa ra quyết định đầu tư thông thái và hiệu quả.

Vì sao nhiều người thích vàng?

Vàng là tài sản ai cũng mê?

Từ lâu, vàng đã là đơn vị tiền tệ được sử dụng rộng rãi trong thương mại và tích lũy của cải. Tới nay đây vẫn là tài sản được nhiều người tin tưởng, đặc biệt trước nguy cơ chiến tranh hoặc bất ổn kinh tế.

Thống kê nhu cầu đầu tư vàng

Theo khảo sát của Hội Đồng Vàng Thế Giới (WGC) năm 2020 về nhà đầu tư cá nhân người Việt:

  • 68% chọn vàng là kênh đầu tư hàng đầu
  • 72% đang sở hữu vàng trong tay
  • 81% xem vàng là giải pháp chống lại rủi ro bất ổn chính trị, kinh tế
  • 81% cho biết sở hữu vàng mang đến cảm giác an toàn

Nguyên nhân nhiều người thích vàng

Khi tiền giấy xuất hiện, các nước bắt đầu sử dụng hệ thống bản vị vàng (Gold standard) - in tiền tương ứng với số lượng vàng trong ngân khố quốc gia. Hiện nay, hệ thống bản vị vàng bị bãi bỏ, nhưng niềm tin vào vàng của nhiều người vẫn còn nguyên.

Ở Việt Nam, tỷ lệ lạm phát phi mã lên đến 774.7%/năm trong những năm 1980s là nguyên nhân khiến vàng trở thành tài sản ưu tiên lúc bấy giờ. Thời điểm đó, ngoài tiền mặt bị mất giá, người dân không còn hình thức tài sản khác để bảo toàn giá trị ngoài nữ trang và vàng bạc.

Do đó về sau, nhiều người nghĩ đến việc đầu tư vàng như một hình thức để bảo đảm tài sản trước những biến động kinh tế - chính trị. Điều này dần trở thành niềm tin lưu truyền qua nhiều thế hệ, hình thành thói quen đổi tiền sang vàng để tích trữ tài sản.

Các hình thức đầu tư vàng

Vàng cũng có vàng này vàng kia

Hiện nay, các loại hình nắm giữ, đầu tư vàng phổ biến trên thị trường gồm có: Vàng vật chất truyền thống và vàng vật chất điện tử.

Vàng vật chất truyền thống

Bao gồm các sản phẩm quen thuộc với nhà đầu tư như vàng miếng, vàng vỉ, vàng nhẫn, vàng trang sức…

Lưu ý khi đầu tư vàng vật chất truyền thống:

  • Hiểu rõ độ tinh khiết, khối lượng và tính chất của vàng mình đang nắm giữ
  • Lập chứng từ giao dịch, ghi chú số series vàng (nếu có) làm cơ sở đối chiếu sau này
  • Giao dịch vàng ở đâu thì bán lại ở đó nhằm hạn chế chi phí thẩm định và trượt giá
  • Vàng vỉ nên cất giữ cẩn thận cùng hóa đơn, tránh hao hụt, mất giá do trầy xước vỏ bọc

Vàng vật chất điện tử

Hình thức mua bán trực tuyến cho phép khách hàng thực hiện giao dịch vàng vật chất nhanh chóng ngay trên ứng dụng di động. Khách hàng sẽ quản lý vàng thật trên tài khoản của mình hoặc nhận vàng trực tiếp tại các cơ sở kinh doanh tùy theo nhu cầu.

Ưu nhược điểm của đầu tư vàng

Chúng ta có không ít lý do để nắm giữ và đầu tư vàng, nhưng thực tế, vàng là kim loại quý với nhiều ưu điểm lớn, cũng như nhược điểm đáng lưu ý. Vì thế, bạn nên xác định mục tiêu đầu tư để tối ưu giá trị của vàng.

Ưu điểm khi sở hữu vàng

Nơi trú ẩn tài sản an toàn

  • Được xem là một trong những loại tiền tệ ra đời sớm nhất trên thế giới, vàng chứng minh sự tin cậy khi giữ được giá trị xuyên suốt lịch sử.
  • Là một trong những tài sản được tích trữ bởi chính phủ các nước và cất giữ bởi nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt trong bối cảnh suy giảm kinh tế & bất ổn chính trị.
  • Nguyên nhân đến từ việc vàng có bản chất là kim loại quý với nguồn cung giới hạn, trong khi tiền tệ là dạng tiền pháp định không có giá trị cố hữu và bị bào mòn bởi lạm phát theo thời gian.

Bảo hiểm chống lạm phát

  • Vàng còn được biết đến như "hầm trú ẩn" an toàn bởi khả năng bảo hiểm chống lạm phát. Ngoài ra, bản chất của vàng là tài sản có tính thanh khoản và không có nhiều mối liên hệ trực tiếp với các loại hình đầu tư rủi ro cao.
  • Khi lạm phát xảy ra, chi phí hàng hóa và dịch vụ tăng cao, dẫn đến sự "xói mòn" giá trị đồng tiền. Bất kỳ sự suy giảm nào của hệ thống tiền tệ đều có khả năng dẫn đến tăng giá vàng, hoặc ít nhất vàng cũng sẽ giữ được giá trị trước lạm phát.

Phân bổ danh mục đầu tư

  • Đôi khi vàng sẽ biến động ngược chiều với các loại hình đầu tư khác như chứng khoán, tiền tệ. Tức là khi tiền mất giá nhưng vàng vẫn thế, chúng ta sẽ cần nhiều tiền hơn để quy đổi thành vàng.
  • Trong bối cảnh kinh tế phức tạp, nếu một trong những sản phẩm bạn rót vốn đầu tư gặp biến động thì vẫn có sự ổn định của vàng bù lại. Do đó, thêm vàng vào danh mục đầu tư sẽ giúp đa dạng hóa cơ hội và giảm thiểu rủi ro.
  • Chiến lược này là minh chứng cụ thể của nguyên tắc “Không bỏ tất cả trứng vào cùng 1 giỏ”.

Nhược điểm của đầu tư vàng

Tỷ suất lợi nhuận thấp

Vàng có tỷ suất sinh lời thấp hơn một số công cụ đầu tư khác. Về cơ bản, giá vàng sẽ tăng trong dài hạn nhưng không tăng nhanh và đều như mọi người mong muốn. Theo thống kê từ 2016 - 2021, khi tỷ suất lợi nhuận hàng năm của cổ phiếu là 19.2%, bất động sản là 12.1%, trái phiếu là 9.8%, tiền gửi là 6.2% thì vàng chỉ có 6.1%.

Một nghiên cứu của Jeremy Siegel (Senior Investment Strategy Advisor) cho biết: Nếu đầu tư $1 vào vàng năm 1802, bạn chỉ nhận lại $4.06 vào năm 2022 sau khi trừ đi phần trăm lạm phát; trong khi chứng khoán là $2,334,990; trái phiếu là $2,163; hối phiếu là $245.

Chênh lệch giữa giá mua và bán

  • Giá vàng Việt Nam chịu tác động từ nhiều chính sách khác nhau nên có sự chênh lệch nhất định so với thị trường quốc tế. Từ đó tạo nên một số rủi ro khi đầu tư vàng ngắn hạn.
  • Công thức cơ bản để tính toán giá vàng tại Việt Nam: Giá vàng Việt Nam = (Giá Thế giới + phí vận chuyển + phí bảo hiểm) x (1 + thuế NK)/0.82945 x tỷ giá USD/VND
  • Tuy nhiên, giá vàng tại Việt Nam thường cao hơn kết quả từ cách tính trên. Sự chênh lệch này do quy luật cung cầu của thị trường quyết định.

Vàng vật chất cần nơi cất giữ

  • Vàng là tài sản giá trị lớn và luôn cần có một nơi bảo quản an toàn. Nếu bạn cảm thấy không đủ an tâm khi tự cất giữ tại nhà, thì có thể cân nhắc sử dụng dịch vụ giữ hộ vàng tại các ngân hàng thương mại được cấp phép.
  • Tuy nhiên, bạn sẽ phải trả thêm một khoản phí nhất định tùy theo chính sách nơi nhận gửi. Đến khi rút vàng, bạn cũng cần thông báo trước và tiến hành làm thủ tục tại ngân hàng.
  • Cuối cùng, hãy soi chiếu ưu nhược điểm của vàng với nhu cầu và khả năng năng tài chính bản thân để lựa chọn kế hoạch đầu tư phù hợp.

Gợi ý hình thức đầu tư khác liên quan đến vàng

Hình thức đầu tư vào cổ phiếu của công ty khai thác vàng (Ví dụ: Mã GLC) hoặc công ty kinh doanh vàng bạc đá quý (Ví dụ: Mã PNJ).

Ưu điểm: So với việc mua vàng vật chất, việc sở hữu cổ phiếu của các công ty khai thác hoặc kinh doanh vàng cũng là một hình thức để NĐT đa dạng hóa danh mục và hưởng lợi từ biến động của giá vàng.

Nhược điểm:

  • Rủi ro biến động giá theo thị trường chứng khoán
  • So với vàng vật chất truyền thống, cổ phiếu không phải là một phương tiện trao đổi xuyên biên giới. Do vậy, bạn chỉ có thể mua bán cổ phiếu trong nước và không thể trao đổi ở nước ngoài.

Các yếu tố tác động đến giá vàng

Tương tự với các loại hình đầu tư khác, giá vàng sẽ "có lúc lên, có lúc xuống và cũng có lúc thăng hoa". Vậy điều gì tác động đến giá vàng?

Chính sách tiền tệ

Ở thị trường quốc tế, một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến giá vàng là chính sách tiền tệ do Cục dự trữ liên ban Mỹ (FED) kiểm soát. Nếu tiền tệ trở thành tiền "tệ", đồng nghĩa tiền đang mất giá, các nhà đầu tư sẽ tìm đến vàng như kho dự trữ thay thế, khiến giá trị của vàng tăng lên và ngược lại.

Ngoài ra, giá vàng trong nước còn chịu tác động từ một số chính sách của quốc gia, dẫn đến sự chênh lệch nhất định với thế giới

Tỷ lệ lạm phát

Khi lợi nhuận danh nghĩa của trái phiếu thấp hơn tỷ lệ lạm phát quốc gia, điều này có nghĩa là nhà đầu tư đang lỗ trong thực tế.

Ví dụ: Bạn mua trái phiếu với lợi nhuận 5% nhưng tỷ lệ lạm phát tại quốc gia là 6%, tức là dòng tiền của bạn đang tăng trưởng âm 1%

Lúc này, vàng trở thành nơi nương tựa ổn định, thay thế cho tiền mặt và các kênh đầu tư khác.

Nhu cầu và hoạt động khai thác

Kể từ năm 1970 đến nay, nhu cầu tiêu dùng vàng đã tăng gấp 4 lần mỗi năm. Giai đoạn 2011 - 2019, sản lượng khai thác vàng trên toàn cầu giảm 26%, ước tính nguồn cung vàng trên thế giới đã gần như cạn kiệt

Dù nguồn cung là hữu hạn, nhưng vàng vẫn được đưa vào lưu thông và hao mòn dần theo thời gian. Phàm cái gì càng hiếm, càng quý thì càng đắt, cho đến khi con người tìm được cách khai thác các mỏ vàng chưa được tiếp cận trong quá khứ

Căng thẳng kinh tế và bất ổn chính trị

Vàng không phải thực phẩm, càng không phải vũ khí, vì sao khi suy giảm kinh tế, bùng phát dịch bệnh hoặc chiến tranh nổ ra, người ta thường trữ vàng?

"Vàng chính là kênh đầu tư dài hạn khi thị trường đang lo sợ” - Warren Buffett

Lịch sử đã chứng minh, trong thời kỳ căng thẳng kinh tế, bất ổn chính trị, vàng lại được xem là kênh trú ẩn an toàn và giữ nguyên giá trị khi các loại tài sản khác có xu hướng suy giảm

Sự thật về vàng

Vàng là tài sản trung, dài hạn

All-in vào vàng và một bước lên mây chỉ sau vài ngày, vài tuần là điều bất khả thi. Bạn nên sử dụng tiền nhàn rỗi không dùng đến để đầu tư vàng. Nếu vốn ít, bạn có thể tích lũy dần từ lương tháng. Với 10% tiền nhàn rỗi của mỗi kỳ lương, bạn đã có thể bắt đầu hành trình đầu tư của mình

Chọn thời điểm mua vàng

Đến sớm không bằng đến đúng lúc. Khi ý định đầu tư vừa nhen nhóm trong đầu, bạn nên tích cực theo dõi giá vàng. Nói cách khác, hãy cân nhắc thời điểm giá vàng đi ngang hoặc tăng chậm rãi và phân bổ vốn thành nhiều đợt mua khác nhau

Tóm lại

Nhìn chung, có thể nhận thấy rằng trong dài hạn, vàng sẽ trở thành công cụ phòng bị và tích lũy hơn là phương tiện đầu tư công chúng. Do đó, bạn cần có kế hoạch phân bổ đầu tư phù hợp với mục tiêu sinh lời và mức chịu rủi ro của mình.

THAM GIA CỘNG ĐỒNG HỌC ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN STOCK EDU
- Khóa học được thiết kế bởi đội ngũ chuyên gia về tài chính
- Giao diện thân thiện, đơn giản hóa kiến thức cho người mới
- Sàn ảo hỗ trợ thực hành giao dịch, đầu tư chứng khoán