Tìm hiểu về quỹ đầu tư, các lưu ý khi đầu tư chứng chỉ quỹ

Quỹ đầu tư là một hình thức đầu tư phổ biến. Song, tại Việt Nam, khái niệm quỹ đầu tư tài chính vẫn còn mới mẻ với nhiều người. Nếu nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm thì chứng chỉ quỹ là một kênh đầu tư tài chính mà các nhà đầu tư không nên bỏ qua.

Tìm hiểu về quỹ đầu tư, các lưu ý khi đầu tư chứng chỉ quỹ

Định nghĩa quỹ đầu tư

Quỹ đầu tư là hình thức kêu gọi vốn từ các NĐT cùng chung tiền để hưởng lợi từ những hoạt động đầu tư đến từ khoản vốn góp chung.

Danh mục đầu tư của quỹ tương đối đa dạng bao gồm: cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản,…

Các quỹ này sẽ được điều hành bởi công ty quản lý quỹ. Tại đây, các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính sẽ đưa ra các quyết định đầu tư để mang về lợi nhuận cho quỹ. NĐT đã góp vốn có thể nhận về khoản lãi tương ứng với số vốn góp của mình.

Nói một cách đơn giản, với quỹ đầu tư, bạn sẽ không phải tự mình đầu tư. Thay vào đó, bạn gửi tiền của mình cho một nhóm chuyên gia, họ sẽ giúp bạn phân bổ nguồn tiền và ra các quyết định đầu tư.

Một vài quỹ đầu tư tiêu biểu tại Việt Nam bao gồm:

  • Quỹ Đầu tư Cân bằng Bản Việt (VCAMBF)
  • Quỹ Đầu Tư Trái phiếu Bản Việt (VCAMFI)
  • Quỹ Đầu tư Chứng khoán Năng Động DC (DCDS)

Một số loại hình quỹ đầu tư phổ biến

Quỹ đóng

Quỹ đóng huy động vốn và phát hành chứng chỉ quỹ một lần duy nhất. Sau khi huy động đủ nguồn vốn, các công ty quản lý quỹ sẽ thực hiện nghĩa vụ đầu tư và sẽ hoàn trả cho NĐT cả gốc lẫn lãi sau thời gian quy định (thường là 3-5 năm). Tương tự như việc đầu tư trái phiếu, NĐT nắm giữ chứng chỉ quỹ không thể bán lại cho công ty quản lý quỹ trong thời gian quy định, nhưng việc giao dịch có thể được thực hiện trên thị trường thứ cấp giữa các NĐT.

Bị giới hạn về quy mô, thời gian và tính thanh khoản nhưng ưu thế của quỹ đóng là nguồn vốn ổn định nên công ty quản lý quỹ có thể tập trung cho những tài sản dài hạn, tỷ suất sinh lời cao.

Quỹ mở

  • Quỹ mở không giới hạn thời gian + quy mô vốn huy động. NĐT có thể mua chứng chỉ quỹ bất cứ lúc nào.
  • Giá trị của chứng chỉ quỹ dựa trên chỉ số NAV tại thời điểm giao dịch. Không chỉ vậy, NĐT được quyền bán lại chứng chỉ quỹ cho công ty quản lý quỹ. Như vậy, tính thanh khoản của loại quỹ này sẽ lớn hơn so với quỹ đóng.
  • Lợi nhuận của NĐT được xác định bằng chênh lệch giữa giá mua và bán.
  • Khác biệt về tính thanh khoản là nguyên nhân cơ bản khiến số lượng quỹ mở áp đảo hoàn toàn so với quỹ đóng. Theo dữ liệu của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến cuối tháng 6/2021 có 35 quỹ mở và 1 quỹ đóng đang hoạt động.

Tại Việt Nam, quỹ tương hỗ và quỹ ETF là hai loại hình chính trong thị trường quỹ mở. NĐT muốn mua bao nhiêu thì quỹ bán bấy nhiêu. Điểm khác biệt của hai loại hình này là:

Quỹ tương hỗ

  • Chứng chỉ quỹ đầu tư tương hỗ không được niêm yết trên sàn và được bán theo mức cố định. Ví dụ, với mức tối thiểu để tham gia sở hữu 1 quỹ đầu tư tương hỗ VESAF của VinaCapital là 100,000 đồng, bạn sẽ mua được ~5 chứng chỉ quỹ với giá NAV là 20,569 đồng/chứng chỉ tại thời điểm 28/2/2023.
  • Mua/bán tại bất kỳ thời điểm nào trong ngày, giao dịch cũng sẽ được tính theo giá NAV đóng cửa vào cuối ngày.
  • Một số quỹ đầu tư tương hỗ được thành lập theo chiến lược đầu tư chủ động.
  • Đa phần các quỹ tương hỗ có mức phí cao hơn, và thực hiện nhiều giao dịch hơn nên số thuế phải đóng cũng cao hơn.

Ví dụ dưới đây là mức phí bạn phải trả cho quỹ đầu tư tương hỗ VESAF của VinaCapital (tính đến ngày 1/3/2023):

Quỹ ETF

  • Chứng chỉ quỹ ETF được giao dịch trên sàn như cổ phiếu, do vậy, giá được quyết định bởi cung-cầu. Ví dụ trên sàn HSX, chứng chỉ quỹ ETF VinaCapital VN100 (FUEVN100) được giao dịch với giá 13,150 đồng tại thời điểm 1/3/2023.
  • Do chứng chỉ ETF được giao dịch trên sàn như cổ phiếu, thời điểm mua/bán khác nhau trong ngày sẽ có mức giá khác nhau.
  • ETF đầu tư mô phỏng theo chỉ số nhất định, với tỷ trọng được quyết định trước, nên đây là một hình thức đầu tư hoàn toàn bị động.
  • Ưu điểm lớn nhất của ETF là chi phí quản lý thấp và đóng thuế thấp do theo đuổi chiến lược bị động, thực hiện rất ít giao dịch mua bán cổ phiếu.

Ví dụ dưới đây là mức phí bạn phải trả cho quỹ ETF VinaCapital VN100 (FUEVN100) của VinaCapital (tính đến ngày 1/3/2023):

Quỹ đóng và quỹ mở khác nhau ở điểm nào?

Quỹ đóng không được rút tiền/bổ sung tiền sau thời gian thành lập quỹ, còn quỹ mở thì có thể

Danh mục đầu tư của các quỹ

Bên cạnh loại hình, các quỹ còn có thể được phân nhỏ theo mục tiêu đầu tư và phương pháp tiếp cận đầu tư cụ thể. Tuỳ vào mức độ chịu đựng rủi ro mà NĐT có thể lựa chọn các quỹ phù hợp với bản thân.

Quỹ cổ phiếu

Quỹ đầu tư cổ phiếu chủ yếu đầu tư vào cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Các quỹ này được phân loại theo:

  • Quy mô giá trị các cổ phiếu mà họ đầu tư (cổ phiếu giá trị hàng đầu, cổ phiếu giá trị trung bình, cổ phiếu giá trị nhỏ)
  • Mục tiêu đầu tư vào danh mục (tăng trưởng, giá trị, cốt lõi)
  • Vị trí địa lý (nội địa , quốc tế)

Quỹ cổ phiếu tăng trưởng theo thị trường chứng khoán và danh mục cổ phiếu mà công ty quản lý quỹ đang nắm giữ, do đó mức độ biến động về giá cũng sẽ cao hơn so với các quỹ khác. Giải pháp này phù hợp với NĐT muốn tìm kiếm mức lợi nhuận cao và sẵn sàng chấp nhận rủi ro ở mức Trung Bình – Cao.

Ví dụ dưới đây là danh mục tài sản của Quỹ Đầu Tư Cổ Phiếu Tiếp Cận Thị Trường VinaCapital (VINACAPITAL-VESAF) tính đến ngày 31/1/2023:

Quỹ trái phiếu

Quỹ trái phiếu đầu tư chủ yếu vào trái phiếu và các công cụ tiền tệ. Đầu tư của quỹ trái phiếu về cơ bản thường tập trung vào trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chuyển đổi cùng với các loại tài sản nợ được chứng khoán hóa (chẳng hạn các khoản vay mua nhà). Quỹ trái phiếu đem lại thu nhập tương đối ổn định hơn nhưng không cao so với quỹ cổ phiếu do mức độ ổn định, ít biến động của thị trường trái phiếu.

Ví dụ dưới đây là danh mục tài sản của Quỹ Đầu Tư Trái phiếu Bản Việt (VCAMFI) tính đến ngày 31/12/2022:

Quỹ cân bằng

Quỹ cân bằng là loại quỹ phối hợp giữa cổ phiếu, trái phiếu và có thể có thêm công cụ thị trường tiền tệ trong cùng 1 danh mục. Những quỹ cân bằng thường tập trung vào định hướng phân bổ tài sản ở mức trung bình (mua nhiều cổ phiếu hơn) hoặc bảo thủ (mua nhiều trái phiếu hơn). Mục tiêu của quỹ cân bằng là nhằm đem lại sự an toàn, tăng trưởng ổn định của tài sản nhà đầu tư.

Ví dụ dưới đây là danh mục tài sản của Quỹ Đầu Tư Cân Bằng Tuệ Sáng VinaCapital (VINACAPITAL-VIBF) tính đến ngày 31/1/2023:


Ngoài ra, còn một số loại quỹ mà NĐT có thể tham khảo:

Quỹ đầu tư đặc thù

Quỹ đầu tư đặc thù là loại quỹ tập trung vào một nhóm ngành đặc biệt như y tế, bất động sản. Vì có mục tiêu đầu tư đặc thù so với quỹ cổ phiếu đầu tư dàn trải nên các quỹ này cũng đem lại mức lợi nhuận tương đối cao kèm theo mức biến động cao tương ứng.

Quỹ hưu trí

Quỹ hưu trí về bản chất là quỹ đầu tư được thành lập nhờ vào huy động vốn góp từ những nhân viên đang làm việc trong doanh nghiệp một cách đều đặn theo thời gian làm việc của họ. Quỹ sẽ đem tiền huy động đi đầu tư nhằm mục tiêu tạo ra sự tăng trưởng tài sản ổn định trong dài hạn và từ đó chi trả lương hưu cho nhân viên khi họ đến tuổi hưu.

Quỹ hưu trí nắm giữ một lượng vốn rất lớn và gần như các nhà đầu tư tổ chức lớn ở các quốc gia trên thế giới đều là các quỹ hưu trí.

Hình minh hoạ dưới sẽ giúp NĐT hiểu về danh mục đầu tư và mức độ rủi ro tương ứng của các quỹ.

Có nên đầu tư chứng chỉ quỹ

Từ những đặc điểm được liệt kê ở chương trước, có thể nói, để tham gia vào hình thức đầu tư chứng chỉ quỹ, NĐT không nhất thiết phải là chuyên gia tài chính có kinh nghiệm dày dặn. Đồng thời, NĐT cũng không mất nhiều thời gian phân tích thị trường mà vẫn tận dụng được cơ hội sinh lời từ số tiền nhàn rỗi.

Dù vậy, nếu mua chứng chỉ quỹ, đồng nghĩa với việc NĐT đã ủy thác vốn cho các tổ chức quản lý quỹ thay mặt đầu tư, nên không thể can thiệp hay quyết định việc mua - bán cổ phiếu. Do đó, để giảm thiểu rủi ro NĐT cần lưu ý một điều quan trọng sau đây.

Một số điểm cần lưu ý khi đầu tư chứng chỉ quỹ

  • Danh mục đầu tư của quỹ: Bạn cần nắm rõ danh mục mà quỹ sẽ đầu tư, đó là cổ phiếu, trái phiếu hay những loại tài sản khác để có thể xem xét và lựa chọn đầu tư cho phù hợp.
  • Công ty Quản lý quỹ: Bạn nên chọn Công ty Quản lý quỹ lớn, uy tín và đã hoạt động trong một thời gian dài. Với kinh nghiệm dày dặn, các công ty này có thể giúp bạn đầu tư hiệu quả hơn. Bằng cách nhìn vào lịch sử hoạt động, bạn cũng có thể xác định được công ty có thể làm tốt trong tương lai hay không.
  • Kết quả hoạt động của quỹ: So sánh hiệu quả hoạt động so với các quỹ khác và các chỉ số thị trường
  • Thời gian giữ quỹ: Tùy từng loại quỹ mà thời gian giữ và phí bán quỹ sẽ khác nhau, chẳng hạn như nếu bán quỹ sớm sẽ bị tính phí, còn để lâu hơn sẽ không mất phí. Nắm chắc thông tin này giúp bạn có kế hoạch đầu tư tối ưu, đạt kết quả tốt.
  • Phí quản lý của quỹ: Các quỹ thường sẽ thu một khoản phí dịch vụ để vận hành công ty, dao động từ 0.1 - 2%/năm tùy công ty. Bạn nên cân nhắc cả yếu tố này trước khi chọn đầu tư quỹ.

Ưu điểm của chứng chỉ quỹ

  • Dành cho nhà đầu tư ít kinh nghiệm
  • Nhờ những đặc điểm của chứng chỉ quỹ, NĐT chứng chỉ quỹ không nhất thiết phải là chuyên gia tài chính để có thể tham gia thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng tiết kiệm được thời gian trong khi vẫn tận dụng được cơ hội sinh lợi từ số tiền nhàn rỗi.
  • Giảm rủi ro
  • Các quyết định đầu tư sẽ được đưa ra bởi các chuyên gia của quỹ, giúp giảm rủi ro cho NĐT. Các chuyên gia sẽ giúp nhà đầu tư đưa ra lựa chọn, việc của NĐT chỉ là mua chứng chỉ quỹ và hưởng lợi nhuận khi có lãi.
  • Khoản đầu tư ổn định trong dài hạn
  • Đầu tư chứng chỉ quỹ sẽ đem tới cho NĐT nguồn thu nhập ổn định và thường xuyên. Đặc biệt là trong dài hạn, chứng chỉ quỹ sẽ chịu ít tác động từ thị trường, giúp đảm bảo các quyền lợi của nhà đầu tư.

Nhược điểm của chứng chỉ quỹ

  • Không được tham gia vào quyết định đầu tư
  • Quỹ đầu tư chịu trách nhiệm trong việc đầu tư, vì vậy nhà đầu tư không có quyền quyết định đầu tư vào một chứng khoán cụ thể nào.
  • Có thể không đạt được lợi nhuận như kì vọng
  • Không phải lúc nào chuyên gia của quỹ cũng đưa ra quyết định hoàn toàn chính xác. Quỹ đầu tư có thể sinh lời nhiều, ít, không sinh lời hoặc thậm chí lỗ. Nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về các loại chứng khoán mà quỹ rót tiền để đánh giá xem có phù hợp với mục tiêu lợi nhuận và khẩu vị rủi ro của mình hay không.
  • Phí quản lý quỹ cao
  • Tùy theo loại quỹ đầu tư mà các nhà đầu tư phải trả phí cho các công ty quản lý quỹ khi giao dịch.

Có nên đầu tư vào chứng chỉ quỹ?

Bất cứ sản phẩm đầu tư nào cũng sẽ có những rủi ro nhất định. Vì thế, để trả lời được câu hỏi có nên đầu tư, giao dịch chứng chỉ quỹ không, NĐT cần hiểu rõ về các lợi ích và rủi ro khi tham gia đầu tư vào sản phẩm này. Việc đánh giá các ưu điểm và nhược điểm ở trên cũng phần nào giúp NĐT quyết định xem việc đầu tư chứng chỉ quỹ có phù hợp với mình không.

Nên khi quyết định đầu tư vào chứng chỉ quỹ, NĐT cần nghiên cứu và lựa chọn quỹ tốt, dựa trên một số tiêu chí như độ uy tín, lịch sử hoạt động, kinh nghiệm,…

Tóm lại

Trong bài viết này, Stag đã liệt kê một số đặc điểm về quỹ đầu tư cho bạn. Để đạt được mục tiêu đầu tư cùng tỉ suất lợi nhuận như kỳ vọng, NĐT cần phải lưu ý một số điều trước khi đầu tư vào loại hình này và phải hiểu rõ các mặt cũng như ưu nhược điểm để đầu tư một cách thông minh nhất.

THAM GIA CỘNG ĐỒNG HỌC ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN STOCK EDU
- Khóa học được thiết kế bởi đội ngũ chuyên gia về tài chính
- Giao diện thân thiện, đơn giản hóa kiến thức cho người mới
- Sàn ảo hỗ trợ thực hành giao dịch, đầu tư chứng khoán